Bố trí đội hình Trận_Austerlitz

Napoléon cùng các binh sĩ trước trận đánh.

Các nguồn sử cho rằng Napoléon đã điều động khoảng 72.000 quân và 157 khẩu pháo cho trận đánh, dù khoảng 7.000 quân dưới quyền Davout vẫn còn ở phía nam (đến sau).[40] Sách khác thì ghi nhận rằng tuy Hoàng đế Pháp khởi xưởng Chiến dịch năm 1805 với 21 vạn quân sĩ, nhưng thực chất trong trận chiến Austerlitz chỉ có 73 nghìn binh sĩ tham chiến, và không phải là tất cả họ đều tích cực chiến đấu.[41] Liên minh có 85.000 quân, 70% trong số đó là quân Nga, và 318 khẩu pháo.[40] Theo các tác giả Robert Cowley, Stephen E. Ambrose, số lượng thần công của Napoléon I chỉ bằng chừng một nửa số lượng thần công của liên quân Nga - Áo. Như vậy là Napoléon bị áp đảo về mặt quân số.[42] Theo lời của ông, ông quyết tâm chiến thắng một "trận đánh thường tình"; nhưng thực chất, ông muốn hủy diệt hoàn toàn quân Liên minh.[43] Nhưng ban đầu, Hoàng đế Pháp chưa bộc lộc sự tự tin của mình về chiến thắng trước quân Nga.

Thực chất, Napoléon không lo sợ làm cho Hoàng hậu Joséphine de Beauharnais mất yên tĩnh bằng khả năng phải giải thích chiến bại với nàng. Về phần mình, các Hoàng đế Đồng minh đã không thể chờ Đại Quận công Karl tăng viện và cũng chả thể đợi quân Phổ nhảy vào tham chiến.[26] Lần này, Nga hoàng Aleksandr I quyết tâm thân chinh ra trận. Năm xưa, Pyotr Đại Đế đã đánh tan nát quân Thụy Điển trong trận Poltava (1709), toàn thắng cuộc Đại chiến Bắc Âu thúc đẩy sự phát triển hào hùng của Đế quốc Nga. Do đó, Aleksandr I có ý noi theo những chiến tích rực rỡ của Pyotr Đại Đế, và hơn hết, là vượt xa cả những chiến công của bậc tiên đế lừng lẫy này.[44]

Chiến trường

Trận chiến diễn ra cách thành phố Brno sáu dặm về phía đông nam. Ngày nay nơi đây là một địa điểm nằm giữa Brno và Austerlitz, thuộc Cộng hòa Séc. Phía bắc chiến trường là hai ngọn đồi Santon (210 m) và Zuran (260 m), nhìn ra tuyến đường nối Olmutz/Brno, vốn nằm trên trục Đông/Tây. Phía tây hai ngọn đồi là làng Bosenitz, còn ở giữa chúng là sông Bosenitz, hợp với sông Goldbach và chảy xuống phía nam qua các làng Kobelnitz, Sokolnitz, Telnitz. Ở giữa chiến trường là cao điểm Pratzen, một ngọn đồi dốc thoai thoải với chiều cao khoảng 11-12 m (35-40 foot). Theo ghi chép của một sĩ quan phụ tá, Hoàng đế Napoléon I liên tục nhắc nhở các võ tướng là bắt buộc phải trinh sát cẩn thận địa hình vùng này vì nó sẽ trở thành chiến trường.[45]

Chiến trường Austerlitz ngày nay, tại làng Prace, gần Slavkov u Brna, Cộng hòa Séc
Ảnh:Jialiang Gao

Bố trí của liên quân

Bản đồ bố trí quân lực của hai bên trước trận chiến. Quân Pháp ở phía tây và liên quân ở phía đông

Một hội đồng được tổ chức vào chiều ngày 1 tháng 12 để thảo luận về trận chiến, tại làng Krzenowitz. Cuộc tranh cãi diễn ra rất nóng hổi.[46] Thấy Napoléon chỉ có ít hơn 57 nghìn chiến binh, Nga hoàng tràn trề hy vọng chiến thắng. Nhiều nhà chiến lược của liên minh đưa ra hai ý tưởng quan trọng là liên lạc thương lượng với kẻ địch và chiếm lấy cánh phía nam vốn dẫn về Viên. Mặc dù Nga hoàng và các tùy tùng của ông rất háo hức chiến đấu, Hoàng đế Franz của Áo lại dè chừng hơn do đã phải trải qua nhiều chiến bại nặng nề của Quân đội Áo trước Napoléon, và đại tướng M. I. Kutuzov của Nga cũng đồng ý với sự cẩn trọng này.[46] Kutuzov đã chỉ rõ ra rằng, chiến tranh càng kéo dài, quân Pháp càng tiến sâu thì họ càng yếu thế do nằm xa nguồn tiếp tế và khả năng người Phổ tham gia vào chiến tranh chống Pháp càng cao. Kutuzov chủ trương dụ quân Pháp vào sâu hơn nữa, ở vùng Carpath và "tại xứ Galicia, tôi sẽ chôn xương quân Pháp." Kutuzov cũng lưu ý đến tầm quan trọng của cao điểm Pratzen ở Austerlitz, thực tế là khi bắt đầu vào trận chiến ông đã cố để quân nán lại đây đề phòng Napoléon, nhưng có vẻ như các võ tướng khác đã không hề chú ý đến điều này.[47]

Ý kiến của Kutuzov không được đề xuất thật mạnh mẽ, trong khi mọi sủng thần của Nga hoàng là Dolgorouki, Lieven, Volkovski và Stroganov đều có thái độ chủ chiến.[46] Ý kiến chủ chiến cuối cùng thắng thế, và quân liên minh quyết định áp dụng kế hoạch tác chiến của tướng Áo là Franz von Weyrother - viên tướng hậu cần mới của Liên minh thứ ba.[46][48] Weyrother - được coi là "bậc lão thành trong các Sĩ quan thành Viên"[46] - vốn đã quan sát tình hình quân Pháp và vạch ra kế hoạch của ông.[48] Theo đó, quân Liên minh sẽ phải đánh nghi binh ở cánh trái quân Pháp và dồn sức vào cánh phải của họ, vốn có vẻ khá lỏng lẻo. Quân Liên minh triển khai phần lớn binh lực của họ vào từ ba đến năm mũi tấn công từ các đỉnh đồi theo chiến thuật "đánh dọc sườn" (Shiefe Schlachtordnung) để đánh cánh phải của quân Pháp, với mỗi mũi tấn công được xếp theo đội hình hàng dọc.[48] Đội hình hàng dọc thứ nhất là một lực lượng bộ binh hùng hậu của Nga (khoảng 13560 binh sĩ) do trung tướng Dmitry Sergeyevich Dokhturov chỉ huy. Ông được giao nhiệm vụ vượt qua đầm lầy Goldbach tại Tellnitz, và theo đó sẽ chuyển sang phải và sắp hàng cùng với đội hình thứ hai. Đội hình hàng dọc thứ hai gồm 11,700 lính bộ binh Nga, thì do trung tướng Louis Alexandre Andrault de Langéron - nguyên là một người Pháp sang định cư ở Nga, vượt qua đầm Golbach giữa Tellnitz và Sokolnitz, trong khi đội hình hàng dọc thứ ba của trung tướng Prebyshevsky (với 7700 binh sĩ Nga)sẽ đánh chiếm lâu đài Sokolnitz và dễ dàng làm chủ bãi đất ở phía sau. Cả ba đội hình này đều nằm dưới quyền giám sát của viên tướng Nga Friedrich Wilhelm von Buxhowden. Hai vị tướng Nga là Kollowrath và Miloradovich chỉ huy đội hình hàng dọc thứ tư của liên quân Áo - Nga gồm 23900 quân, sẽ vượt qua đầm Golbach mà về hướng bắc của hồ Kobelnitz.[49] Đội Cận vệ Hoàng gia Nga được giữ lại để dự phòng (bao gồm 850 quân tinh nhuệ do Đại công tước Konstantin thống lĩnh, đóng cứ về phía bắc Krzenowitz),[50] còn lực lượng quân Nga do tướng Pyotr I. Bagration chỉ huy sẽ trấn giữ cánh phải của liên minh. Đội hình thứ tư sẽ đánh thốc vào trung quân Pháp, trong khi đội hình thứ 5 (bao gồm 5375 người lính do Vương công xứ Liechstenstein chỉ huy[49]) cùng với Bagration sẽ tạo thành gọng kìm tiêu diệt quân cánh trái của Pháp. Nói chung, liên quân muốn công kích quân cánh phải của Napoléon với gần 4 vạn binh và theo đó đánh tạt vào sườn của ông, cắt đường liên lạc của ông với kinh đô Viên.[48]

Với việc Nga hoàng trao quyền chỉ huy cho Weyrother, Kutuzov trên thực tế vẫn là Tư lệnh, nhưng ông chỉ điều khiển Binh đoàn thứ tư của liên quân.[30] Trong khi đó, các võ tướng khác của liên quân Nga-Áo, với chuẩn bị vững chắc của mình đều cả tin nắm chắc chiến thắng trong tay,[50] thậm chí họ còn nghĩ rằng chỉ đội tiền vệ của họ thôi cũng đủ để đập nát quân Pháp.[38]

Bố trí của quân Pháp

Thiết kỵ binh Pháp bài trí đội hình

Thực tế thì Napoléon rất muốn họ tấn công, và để hiện thực hóa điều này, ông đã làm suy yếu cánh phải của mình một cách có tính toán.[51] Vào ngày 28 tháng 11, Napoléon I gặp các tướng để thảo luận. Các tướng thể hiện sự e ngại của mình và thậm chí còn đề nghị rút quân, nhưng Napoléon đã gạt bỏ điều này.[52] Theo kế hoạch của Napoléon thì quân Liên minh sẽ dồn phần lớn lực lượng nhằm đánh sập cánh phải của quân Pháp với mục đích là cắt đứt đường liên lạc của quân Pháp về Viên, đòn tấn công này sẽ khiến quân Liên minh bị hở sườn và trung tâm cho quân Pháp lợi dụng.[53] Để khính địch, Napoléon thậm chí còn từ bỏ cả vị trí chiến lược tại các đỉnh đồi Pratzen, lại còn giả vờ lo lắng trước sự yếu ớt của ba quân.[52][53] Chính vì thế lực lượng chính của quân Pháp được tập trung trên một trận tuyến dài 2,5-3 cây số tại trung tâm chiến địa, đối diện với cao điểm Pratzen. Theo kế hoạch, quân Pháp sẽ đánh chiếm Pratzen và từ cao điểm này sẽ mở một đòn đột kích mạnh đánh tan nát trung tâm của quân Liên minh[30][54] rồi sau đó tiến tới bọc hậu họ.[53] Theo nhà sử học quân sự Christopher Duffy thì lối đánh này hơi giống chiến thuật "đánh dọc sườn" của nước Phổ.[55]

Lực lượng thực thi đòn đánh này chính là 16 nghìn quân của Quân đoàn IV dưới quyền chỉ huy của Thống chế Soult. Lực lượng của Soult được một màn sương mù dày đặc che phủ trong suốt giai đoạn đầu của trận chiến; trên thực tế sự tồn tại của màn sương này là yếu tố quyết định sự thành bại của đòn đột kích. Nếu sương mù tan quá nhanh thì vị trí của Quân đoàn IV sẽ bị phơi bày ra trước quân địch, nhưng nếu sương mù kéo dài quá lâu thì Napoléon sẽ không thể nhìn thấy bố trí của liên quân Nga-Áo ở cao điểm Pratzen và không thể phát động tấn công đúng lúc.[56]

Trong cùng lúc đó thì Napoléon lệnh cho quân đoàn III của Thống chế Davout hành quân từ Viên cấp tốc đến tăng viện cho cánh phải của tướng Legrand (nằm ở phía nam của chiến trường), nơi sẽ phải hứng chịu sức ép lớn của quân Đồng minh. Quân của Davout sẽ phải di chuyển 110 km trong 48 giờ. Sự thành bại của quân Pháp sẽ tùy thuộc vào việc họ có đến kịp lúc hay không. Trên thực tế, sự bố trí của Napoléon tại cánh phải rất mạo hiểm: quân Pháp chỉ được bố trí một lực lượng tối thiểu để phòng thủ khu vực này, và họ được yêu cầu tử thủ cho đến người cuối cùng. Sở dĩ Napoléon dám quyết định mạo hiểm như vậy vì ông tin tưởng vào tài năng của vị Thống chế xuất sắc Davout, vì cánh phải của quân Pháp được một hệ thống sông hồ bảo vệ, và cũng vì người Pháp đã thiết lập một tuyến liên lạc dự phòng đi qua Brünn - Iglau - Passau thay cho tuyến Viên. Quân đoàn Cận vệ Pháp của Thống chế Bessières cùng quân đoàn I của Thống chế Bernadotte được giữ lại để dự phòng, còn quân đoàn V dưới trướng Thống chế Lannes sẽ bảo vệ cánh trái của quân Pháp (tức vùng phía bắc của chiến trường), nơi tuyến tiếp vận mới của Pháp tọa lạc.[30] Sau này, tướng Jean Rapp có lời ca ngợi sự bày binh bố trận của Napoléon I trước trận Austerlitz là nhuần nhuyễn.[38]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Austerlitz http://www.austerlitz2005.com/en/interests/legends http://books.google.com/books?id=KlNEAAAAIAAJ&prin... http://www.imdb.com/title/tt0053638/ http://www.vialupo.com/austerlitz http://www.virtualczech.cz/kraj-/927-bitva-u-slavk... http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-d.htm http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-e.htm http://books.google.de/books?id=-PUsAAAAYAAJ&dq=Hi... http://books.google.de/books?id=AnsOAAAAQAAJ&dq=Th... http://books.google.de/books?id=AoSYm1VAdJcC&dq=M....